COP 22: Thảo luận các vấn đề giới và biến đổi khí hậu

Tại Hội nghị lần thứ 22 đang diễn ra tại Ma-rốc các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 22) ở Ma-rốc, Chương trình nghị sự Ngày về giới vừa được tổ chức trong khuôn khổ cuộc họp Ban Bổ trợ thực hiện lần thứ 45 (SBI 45).

Chủ đề được các đại biểu quan tâm là tiếp cận nguồn tài chính khí hậu, hỗ trợ các hoạt động liên quan tới giới. Hiện, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) hỗ trợ tài chính cỡ nhỏ với khoản kinh phí hỗ trợ dưới 50.000 USD cho cấp địa phương trong các lĩnh vực ưu tiên về BĐKH. Quỹ Khí hậu xanh (GCF) hỗ trợ 1,1 triệu USD cho 27 dự án về giới và biến đổi khí hậu.

Việt Nam chúc mừng thông qua dự thảo Kết luận Quyết định của SBI 45 liên quan đến giới và BĐKH

Liên quan tới việc hỗ trợ các hoạt động có liên quan tới giới và biến đổi khí hậu, chương trình hỗ trợ và chuẩn bị sẵn sàng thực hiện của GCF giúp thúc đẩy tham vấn với các bên có liên quan, đánh giá về giới, các chương trình quốc gia có tính đến yếu tố nhạy cảm về giới (như quá trình Kế hoạch thích ứng quốc gia NAP). GCF cũng hỗ trợ 2 triệu USD cho các dự án thí điểm lồng ghép giới. Trong giai đoạn tới, GCF tiếp tục hỗ trợ các dự án có liên quan tới giới, như tăng cường nâng cao nhận thức, đào tạo…

Trong khuôn khổ Ngày về giới, đại diện Việt Nam cũng tham dự Đối thoại về thực hiện các giải pháp khí hậu có tính đến yếu tố giới. Tại Việt Nam, nội dung về giới đã được đề cập trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định INDC, Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu của Việt Nam.

Trong số 68 nhiệm vụ ưu tiên của Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu, nhiệm vụ số 35 của Kế hoạch có liên quan tới yếu tố giới, cụ thể là: Thực hiện lồng ghép thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái và cộng đồng, thông qua phát triển dịch vụ hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng kiến thức bản địa, ưu tiên cộng đồng dễ tổn thương nhất. Đây được xem là nhiệm vụ ưu tiên tiếp tục thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH và đóng góp về thích ứng trong NDC. Nhiệm vụ này được thực hiện bởi các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội khác cho cả giai đoạn từ 2021 - 2030.

Trong phiên thảo luận, các bên cũng đi đến thống nhất các nội dung trong dự thảo Kết luận Quyết định của SBI 45 liên quan tới nội dung giới và BĐKH, do Cos-ta-ri-ca chuẩn bị. Đặc biệt là vấn đề kêu gọi các Bên hỗ trợ đào tạo và tăng cường năng lực cho các đại biểu nam và nữ về các vấn đề liên quan tới cân bằng giới và BĐKH; tăng cường năng lực kỹ thuật cho các đại biểu nữ tham gia hiệu quả vào các phiên họp của UNFCCC… Những nội dung này đã từng thảo luận trước đó trong tuần làm việc đầu tiên của COP 22, liên quan đến việc kéo dài và tăng cường Chương trình làm việc Lima về giới cho giai đoạn 3 năm và nhận được sự đồng thuận cao của nhiều bên. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các Bên tiếp cận các nguồn tài chính xây dựng và thực hiện các hoạt động có liên quan tới giới và biến đổi khí hậu./.

Chu Hương (baotainguyenmoitruong)
Fanpage
Liên kết website