Cà Mau thiệt hại do BĐKH khoảng 1.500 tỷ đồng

Năm 2016, tỉnh Cà Mau bị thiệt hại do biến đổi khí hậu khoảng 1.500 tỷ đồng. Đó là con số được báo cáo trong buổi làm việc của lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng với bà bà Cornelia Richter, Giám đốc điều hành Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) vào chiều ngày 18/3/2017.

Tại buổi làm việc này, hai bên đã thảo luận về những thách thức và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu đối với tỉnh Cà Mau, đồng thời đề ra phương hướng hợp tác nhằm giúp Cà Mau ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Tuy ít bị ảnh hưởng trực tiếp những cơn bão xảy ra hàng năm nhưng thiên tai gay thiệt hại cho tỉnh trong trong mùa mưa bão và cả trong mùa khô.

Tỉnh Cà Mau là tỉnh có 3 phía giáp biển Đông và vịnh Thái Lan với chiều dài bờ biển Cà Mau 254 km, là một trong số ít tỉnh có bờ biển dài nhất trong cả nước. Nhưng trong số đó đã có 2 phần 3 (khoảng 100 km) bờ biển đã và đang bị sạt lở, trong đó có 40 km sạt lở nghiêm trọng cả hai bên bờ biển Đông và vịnh Thái Lan.

Kè biển ở mũi Cà Mau

Tuy vậy, hệ thống đê biển chưa được đầu tư đúng mức. Đê biển Đông chưa hình thành. Dự án đê biển đã được tỉnh phê duyệt dài 76 km, với tổng kinh phí đầu tư 996 tỷ đồng nhưng chưa được Trung ương phân bổ vốn để thực hiện. Còn đê biển Tây đã xây dựng cách đây đúng 20 năm, nay xuống cấp rất nghiêm trọng, đang được triển khai đầu tư nâng cấp và xây mới. Vừa qua, tỉnh đã sửa chữa nâng cấp mang tính cấp bách hơn 22 km đê, kè với tổng kinh phí trên 640 tỷ đồng.

Theo quan trắc mực nước biển, đỉnh triều năm sau thường cao hơn năm trước. Nếu mực nước tiếp tục dâng như thế, dự báo sắp tới sẽ có khoảng 90 ngàn ha đất sản xuất có nguy cơ bị ngập, gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng, các công trình dân sinh, kinh tế, nhất là ở huyện Ngọc Hiển và Năm Căn.

Do hầu như không nhận được nguồn nước ngọt từ sông Hậu (qua kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp) nên vào mùa khô, không những nhiều nơi trong tỉnh bị hạn mà còn bị nước mặn xâm nhập, gây thiệt hại không ít đến sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn.

Mỗi năm vừa qua, thiệt hạn do thiên tai các loại gây ra cả ngàn tỷ đồng. Riêng trong năm 2016, thiên tai làm chìm 25 ghe tàu, 6 người chết, 5 mất tích; 344 nhà tốc mái, 96 căn nhà bị sập; chưa kể đất ven biển, chỉ riêng đất ven sông, kể cả nơi ở sâu trong nội địa, nhiều nơi bị sạt lở trên 4.700 mét; sụt lún, lở đất, hư hỏng 112 km đường; gần 53 ngàn ha lúa, 158 ngàn ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; nhiều cây (giếng khoan), nhất là ở vùng ven biển bị nhiễm mặn; gần 15 ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt; rừng phòng hộ cũng bị sạt lở (từ năm 2007 đến nay, có trên 3.800 ha rừng phòng hộ bị mất)…

Trong số những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, về sản xuất, thời gian qua, một số nơi do trồng lúa năng suất thấp, không chịu được hạn mặn, đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản; một số nơi vẫn trồng lúa nhưng thay đổi giống thích hợp; để bảo vệ tài nguyên nước ngầm và rừng, tỉnh chỉ đạo nhân dân lấp các cây nước bị nhiễm mặn, triển khai dự án chứa nước ngọt ở vườn quốc gia U Minh hạ, tăng cường bảo vệ rừng, kịp thời ứng cứu rừng bị cháy trong mùa khô.../.

Thanh Chí (baotainguyenmoitruong)
Fanpage
Liên kết website