Báo cáo cập nhật và vai trò của NAMAs trong việc thực hiện Thỏa thuận Pa-ri

Báo cáo cập nhật tình hình NAMAs (Các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia) được đề xuất tính tới giữa năm 2016 đã được Ecofys và ECN công bố, trong đó chỉ ra cách thức các NAMAs tiếp tục được xây dựng sau thỏa thuận Pa-ri, trong khi một số NAMAs đã trong giai đoạn triển khai. NAMAs là công cụ quan trọng để thực hiện các mục tiêu của Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) mà các nước đã cam kết đóng góp trong thỏa thuận Pa-ri, tất nhiên với sự tăng cường hỗ trợ để xây dựng năng lực và thực hiện. 

Thỏa thuận Pa-ri, được thông qua vào tháng 12 năm 2015, đã đánh dấu một bước đột phá về lịch sử khí hậu thế giới: Đây là thỏa thuận ràng buộc pháp lý khí hậu đầu tiên mà tất cả các Bên thuộc UNFCCC (cả các nước phát triển và đang phát triển) đều cam kết giảm phát thải thông qua NDCs của họ. Với sự thay đổi lớn trong chính trị khí hậu toàn cầu, các hành động giảm nhẹ phát thải ở các nước đang phát triển đang được ưu tiên và chú ý hơn bao giờ hết.

Các hành động giảm nhẹ phát thải phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMAs) là những hành động giảm nhẹ mà các nước đang phát triển xây dựng thuộc UNFCCC và sẽ nhận được vốn đầu tư quốc tế. Báo cáo hiện trạng NAMAs cập nhật giữa năm 2016 sẽ phân tích các yêu cầu về giảm nhẹ của Thỏa thuận Pa-ri và phân tích các quan điểm của đại diện chính phủ các quốc gia về NAMAs.

Cập nhật tình hình đề xuất các NAMAs

Các nước đang phát triển tiếp tục xây dựng các đề xuất NAMAs, kể từ giữa tháng 10/2015 tới tháng 4/2016, đã có thểm 10 đề xuất được đăng ký trong cơ sở dữ liệu NAMA của UNFCCC. Do đó, tổng số NAMAs được đề xuất đã tăng lên con số 178 NAMAs. Khu vực châu Phi, châu Á và Mỹ Latin đã tăng các đề xuất NAMAs lên nhiều, tập trung vào lĩnh vực năng lượng. Mặc dù vậy, các NAMAs được lựa chọn cấp kinh phí thực hiện còn rất khiêm tốn. Tính tới tháng 4/2016 mới có 16 NAMAs nhận được tài trợ để thực hiện.

Vai trò của NAMAs trong việc thực hiện thỏa thuận Pa-ri

Trong khi Thỏa thuận Pa-ri không đề cập một cách rõ ràng về NAMAs, nhưng Thỏa thuận vẫn yêu cầu các nước phải thực hiện các hành động giảm nhẹ. Xa hơn nữa, Thỏa thuận nhấn mạnh nhu cầu tài chính khí hậu quốc tế, phát triển bền vững và Đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV). Tất cả những vấn đề này đều là những thành tố quan trọng của NAMAs. Vì là những hành động giảm nhẹ cụ thể, NAMAs có thể đóng vai trò theo 3 cách thức bổ trợ cho nhau: i) là một trong các phương tiện để thực hiện NDCs, ii) là kênh giải ngân tài chính khí hậu quốc tế cho hoạt động giảm nhẹ phát thải và iii) là để đảm bảo tính minh bạch cho các hành động giảm nhẹ.

Điều này cũng đã được minh họa trong thực tế rằng trong số 60 quốc gia tích cực xây dựng NAMA, có tới 40 quốc gia khẳng định rằng NAMAs là một phần trong NDCs của họ. Những sự cam kết chính trị cấp cao cũng nhấn mạnh rằng NDCs đưa ra các đề xuất mạnh mẽ và khẩn cấp hơn NAMAs. Tuy nhiên từ nay tới 2020, khi Thỏa thuận Pa-ri chưa có hiệu lực, NAMAs là sự lựa chọn phù hợp với những hành động cụ thể nhưng không kém phần tham vọng, chuẩn bị cho việc triển khai NDCs sau giai đoạn 2020.

Quan điểm của đại diện các chính phủ

Các đại diện từ  Colombia, Ethiopia, Indonesia and Thái Lan đã đóng góp cho báo cáo này với một số nhận định về vai trò của NAMAs trong triển khai thực hiện thỏa thuận Pa-ri.

Cả 4 đại diện chỉ ra rằng các đề xuất NAMA sẽ tiếp tục được xây dựng ở nước họ. Trong khi một số đại diện không nhìn nhận được các kế hoạch NAMA của họ đã chịu ảnh hưởng bởi Thỏa thuận Pa-ri, những người khác nhận thức về việc gia tăng nhu cầu thúc đẩy các hành động NAMA của họ để đạt các mục tiêu đầy tham vọng đã nêu tại NDCs của mình. Mặc dù vậy, một số tin rằng Thỏa thuận Pa-ri sẽ tạo ra những thách thức mới cho NAMAs, với những vấn đề riêng biệt như không có tín hiệu rõ ràng nào cho việc triển khai NAMAs sau năm 2020, khi thỏa thuận Pa-ri chính thức có hiệu lực.

Các đại điện đều đồng ý rằng cần tăng cường hỗ trợ cho NAMAs, cần có những hướng dẫn cụ thể hơn để tiếp cận tài chính khí hậu thông qua các tiêu chí cấp kinh phí cụ thể, các phản hồi chi tiết về các đề xuất chưa nhận được kinh phí hỗ trợ cũng như tiếp tục xây dựng năng lực MRV.

Để đọc Báo cáo này, bao gồm cả phân tích về ảnh hưởng của Thỏa thuận Pa-ri tới NAMAs, các quan điểm của đại diện các nước, download báo cáo tại http://www.mitigationmomentum.org/publications.html

Nhóm công tác Dự án Động lực Giảm nhẹ phát thải sẽ tiếp tục làm việc để xây dựng báo cáo hiện trạng NAMA năm 2016, để công bố tại sự kiện COP22, Marrakesh.

Báo cáo này được chuẩn bị và công bố như là một sản phẩm của dự án Động lực Giảm nhẹ phát thải, được phối hợp triển khai bởi Ecofys Đức và các nghiên cứu chính sách của ECN. Dự án Động lực Giảm nhẹ phát thải là dự án được hỗ trợ bởi Sáng kiến khí hậu toàn cầu (IKI). Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân CHLB Đức (BMUB) hỗ trợ sáng kiến này./.

congnghiepxanh tổng hợp từ NAMA news 16/7/2016
Fanpage
Liên kết website