Sự thích ứng của công nghệ truyền hình trước thách thức của mạng xã hội

Sự phát triển của mạng xã hội vừa là thách thức và cũng là cơ hội đối với những người làm truyền hình. Chấp nhận sự “phá vỡ” và làm quen với phương thức sản xuất mới, biến mạng xã hội trở thành một kênh công cụ đắc lực của truyền hình là điều cần thiết để tồn tại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này.

Thay đổi phương thức sản xuất

Nhận thức rõ vai trò và tác động của mạng xã hội ngày càng mạnh mẽ tới ngành truyền hình, trong khuôn khổ triển lãm Phim và Công nghệ truyền hình (Telefilm 2016), hội thảo Vai trò và sự ảnh hưởng của mạng xã hội đến công nghiệp truyền hình được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu như ông Marc Lourder, Giám đốc CNN Digital châu Á; bà Hee Young Sohn, Giám đốc quốc tế của CJ E&M; ông Nguyễn Thành Lương, Phó TGĐ Đài truyền hình Việt Nam…

Không thể phủ nhận sự tác động rất lớn của mạng xã hội (MXH) đến các cơ quan báo chí nói chung và truyền hình nói riêng. Với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số và MXH, bất cứ ai cũng có thể trở thành một phóng viên, người đưa tin. Bởi vậy, nếu các đài truyền hình không có sự kết nối với MXH thì sẽ bị giảm sút về lượng thông tin cũng như khán giả.

Theo một nghiên cứu mới đây, 1/4 số người được hỏi cho rằng, họ biết về các chương trình truyền hình thông qua các trang MXH. Phần lớn các chương trình truyền hình hiện nay đều có địa chỉ facebook, nơi người hâm mộ có thể theo dõi thông tin về chương trình mới nhất. Với các thiết bị thông minh, dù ở đâu khán giả cũng có thể theo dõi các chương trình yêu thích, chia sẻ thông tin và kết nối với những người hâm mộ khác ngay trước, trong và sau khi chương trình lên sóng. Các nhà đài có thể so sánh lượng người hâm mộ trung bình trên các trang MXH để nhận biết mức độ thành công của một chương trình truyền hình.

Mạng xã hội đang trở thành một kênh thông tin có sức ảnh hưởng mạnh mẽ 

Ông Nguyễn Thành Lương, Phó TGĐ Đài THVN cho biết: “Đài THVN đang dần thay đổi cách thức sản xuất từ mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình sản xuất hội tụ - sản xuất cho truyền hình truyền thống và sản xuất cung cấp cho môi trường số và MXH”.

Những thay đổi về cách xem truyền hình của khán giả đã tác động tới cách sản xuất chương trình truyền hình. Tại Mỹ, hiện thanh niên dành tới 6 tiếng/ngày cho smartphone, máy vi tính; 62% thanh niên tại Mỹ có xu hướng tiếp cận các tin tức từ MXH. Xu hướng rời bỏ truyền hình trả tiền sang xem truyền hình internet ngày càng trở nên rõ rệt. Chính vì thế, truyền hình Mỹ đang hướng đến khán giả số. Thậm chí, có những công ty truyền hình mới ra đời chỉ phát trên internet.

Tại Việt Nam, thời gian giới trẻ sử dụng internet hiện gấp 4 lần thời gian xem tivi. Với giới trẻ, MXH mới là kênh quan trọng nhất để cung cấp thông tin đầu tiên và nhanh nhạy nhất. Đây là vấn đề rất lớn đặt ra cho truyền hình Việt Nam: Làm sao để có thể tiếp cận với những khán giả trẻ? Và truyền hình phải làm gì để tồn tại trong kỷ nguyên internet?

Ông Phạm Anh Chiến, Giám đốc Trung tâm VTV Digital cho biết: “Đài THVN coi MXH là kênh cập nhật thông tin liên tục cho khán giả và để Đài tương tác với khán giả. Bên cạnh đó, MXH là kênh marketting rất quan trọng cho chương trình truyền hình, thu hút khán giả quay lại với ti vi, đặc biệt là khán giả trẻ. Đây là đặc điểm rất quan trọng cần được khai thác từ MXH”.

Những bài học kinh nghiệm

Nhắc đến CNN là nhắc đến đơn vị hàng đầu trên thế giới về tin tức trên truyền hình tuy nhiên qua chia sẻ của ông Marc Lourder, Giám đốc CNN Digital châu Á mới thấy đơn vị này phát triển trên mạng xã hội, truyền thông số mạnh mẽ như thế nào.

Ông Marc Lourder đưa ra những con số mà với mỗi Đài Truyền hình đó là những con số mơ ước. Có 1,9 tỷ người sử dụng web và 300 triệu lượt xem video của CNN hàng tháng. Không chỉ là đơn vị hàng đầu về tin tức mà CNN cũng là đơn vị hàng đầu khi nói đến truyền thông xã hội. Công cuộc này được CNN thực hiện từ 10 năm trước khi bắt đầu phát triển web và hiện nay, sự hiện diện của CNN có trên tất cả các mạng xã hội như: Facebook, Twitter, Instagram… với lượng theo dõi vô cùng lớn. Đại diện của CNN khẳng định, mạng xã hội là một phần không thể thiếu trong chiến lược đa nền tảng của CNN.

CNN xây dựng những chương trình riêng dành cho khán giả ở MXH, với những lợi thế và đặc thù riêng biệt. Đặc điểm của MXH là người đọc sẽ lướt tin rất nhanh, nên cũng có đội ngũ biên tập viên riêng cho thông tin trên MXH. Ông nói: “Không phải tất cả những gì chúng ta phát trên TV đều có thể đưa được lên MXH, cần phải hiểu khán giả, hiểu đặc tính của nền tảng phát sóng mới có thể thành công được.”

Trang fanpage của CNN

CNN cũng có những dự án riêng dành cho MXH, như kêu gọi khán giả gửi những câu chuyện của mình, và câu chuyện đó được thể hiện lại rất đẹp, rất hay. Tính năng live stream vừa mới cập nhật trên facebook cũng được CNN ứng dụng nhanh chóng trong nhiều phóng sự ngắn dưới 5 phút: đưa khán giả vào bên trong núi lửa, hay vào một phòng thí nghiệm lớn nhất ở Thụy Sỹ…CNN cũng thử nghiệm nhiều ứng dụng để khán giả có thể trải nghiệm và tiếp cận: video thực tế ảo, tin nhắn, kích hoạt giọng nói.

Đối với CJ E&M, bà Hee Young Sohn cho biết, họ chủ yếu tập trung vào đối tượng khán giả trẻ, nên cách khai thác chương trình cũng phù hợp với đối tượng này. Nhiều ngôi sao giải trí, người nổi tiếng được mời đến tham gia các chương trình và chủ yếu phát qua kênh youtube. CJ E&M cũng thu lợi nhuận bằng cách kết hợp quảng cáo, bán sản phẩm thông qua các chương trình này.

Thấu hiểu khán giả qua MXH

Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Datasection Việt Nam khẳng định: “Thông qua MXH, chúng ta cũng hiểu khán giả của mình hơn, nắm được tâm tư nguyện vọng của họ, xem họ khen - chê chương trình truyền hình như thế nào, từ đó sản xuất những chương trình có nội dung phù hợp với khán giả hơn”. Ông cũng nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không sản xuất những chương trình truyền hình dành cho các thiết bị smart phone, MXH thì sẽ bỏ mất một lượng lớn khán giả”.

Bàn về vấn đề sử dụng tin tức trên MXH để phát sóng trên các kênh truyền hình chính thống, ông Marc Lourdes cho biết chúng ta không chỉ đơn giản là lấy những thông tin có sẵn đó để đăng tải mà cần gia tăng giá trị cho nó, chúng ta cần thu thập và kiểm chứng thêm thông tin để giải thích cho khán giả hiểu được rằng nó xảy ra trong hoàn cảnh thế nào, có ý nghĩa ra sao...

Cũng theo chuyên gia Marc Lourdes, các đài truyền hình phải có nguyên tắc cơ bản. Một là cần phải xác định, kiểm chứng nguồn thông tin. Hai là phải tìm hiểu thông tin bằng chính sự tìm hiểu, phỏng vấn của mình chứ không bao giờ được phụ thuộc hoàn toàn vào 1 video hay clip trên MXH.

Với MXH, giờ đây, khán giả truyền hình không còn bị giới hạn tin tức trên ti vi của họ nữa. Vì vậy, việc tạo ra những diễn đàn tranh luận về các chương trình, nhân vật và sản phẩm truyền hình trên MXH được coi là phương pháp tối ưu để thu hút khán giả.

Những người làm truyền hình cần nhận thức cao hơn nữa vai trò, tác động của MXH, từ đó có những thay đổi trong tư duy, trong cách thức khi sản xuất các chương trình truyền hình để thích ứng với một tương lai vô định của công nghệ số./.

 

Việt Hồng (Tổng hợp)
Fanpage
Liên kết website