Cần sự hợp tác và cam kết mạnh mẽ của cả cộng đồng để phát triển bền vững

Ngày 3/10, trước thềm Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP24) sẽ diễn ra tại Ba Lan tháng 12/2018, Nhóm Công tác Biến đổi khí hậu tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Pre-COP24: Cơ hội và thách thức trong việc rà soát và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định”

Rừng phòng hộ Gò Công ngày càng bị thu hẹp do xâm thực (Ảnh chụp tại xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông). Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Ước tính biến đổi khí hậu toàn cầu làm thiệt hại khoảng 1.600 tỷ USD mỗi năm và con số này có thể sẽ tăng lên hơn 4.000 tỷ USD vào năm 2030.

Để giảm thiểu thiệt hại và đối phó có hiệu quả với những thách thức về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris năm 2015 đã đặt ra mục tiêu tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua việc hạn chế tăng nhiệt độ bề mặt trái đất ở mức thấp hơn 2 độ C, cố gắng hơn để hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức thấp hơn 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.

Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phàm về biến đổi khí hậu hiện nay, cộng đồng quốc tế vẫn chưa có được sự nhất trí chung về mức độ cắt giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp tài chính cũng như các nỗ lực khác đủ để hạn chế tăng nhiệt độ ở dưới mức 2 độ C.

Cuối tháng 8/2018, theo dự thảo đầu tiên của Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định do Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật, Chính phủ Việt Nam cam kết giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính tới năm 2030 bằng nguồn lực trong nước so với kịch bản thông thường. Mức phát thải CO2 được nâng lên và năm cơ sở cập nhật là năm 2014 thay vì năm 2010. Nội dung sửa đổi chủ yếu của Báo cáo gồm việc điều chỉnh năm cơ sở, các mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản thông thường và bổ sung lĩnh vực mới cần tham gia vào công tác giảm thiểu như năng lượng, rác thải, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất, lâm nghiệp, nông nghiệp.

Theo các đại biểu: Việt Nam cần có cách tiếp cận toàn diện để biến thách thức trở thành cơ hội, tạo ra sự hợp tác hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành liên quan và đảm bảo kết quả tốt đẹp hơn. Việt Nam cần thay đổi con đường phát triển để xóa đói giảm nghèo, xây dựng quốc gia hưng thịnh mà không góp phần gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi mô hình phát triển mà Thỏa thuận Paris khẩn thiết kêu gọi sẽ chỉ được đông đảo công chúng ủng hộ khi nó liên quan chặt chẽ với việc giảm thiểu sự bất bình đẳng kinh tế - xã hội đã gia tăng đáng kể trong thời gian qua.

Các nước công nghiệp cần phải đi đầu nhưng Việt Nam, thông qua bản cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định, cần thể hiện những cam kết và đẩy nhanh hành động tham vọng hơn vì khí hậu nhằm đảo bảo phát triển công bằng xã hội.

Quá trình rà soát và cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định đang diễn ra là cơ hội hấp dẫn vốn đầu tư cho sự phát triển có mức phát thải thấp, sức chống chịu với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, đồng thời, xây dựng được một khuôn khổ chính sách nhất quán.

Ông Hoàng Việt, đại diện Nhóm Công tác Biến đổi Khí hậu tại Việt Nam cho rằng, việc cập nhật, sửa đổi Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam rất cần có được sự hợp tác và cam kết mạnh mẽ của tất cả các cơ quan, ban, ngành của Chính phủ, từ cấp quốc gia đến cấp địa phương và cả các doanh nghiệp, cũng như cộng đồng, nhằm khẳng định vị trí của Việt Nam trong các bàn đàm phán quốc tế, giúp Việt Nam phát triển bền vững với một nền kinh tế cac-bon thấp, với khả năng chống chịu và thích ứng cao, tránh những thiệt hại không đáng có liên quan đến tính mạng, thu nhập của người dân cũng như những cơ sở hạ tầng vật chất chủ yếu do tác động của biến đổi khí hậu.

Bà Yvonne Blos, Giám đốc Dự án Biến đổi Khí hậu, Viện Friedrich-Ebert-Stiftung tại Việt Nam chia sẻ: “Để đạt được kết quả mong đợi tại COP24 sắp tới, các nhà lãnh đạo cần phải nắm lấy thời cơ và tận dụng những thuận lợi hiện có. Thành công của COP24 sẽ được đánh giá dựa trên các yếu tố có thể đạt được hay không một bản quy tắc với tính ràng buộc cao, các nước có đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn để giữ nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C, làm sao để có được cơ chế tài chính khí hậu rõ ràng nhằm đảm bảo sẽ có nhiều nguồn tài chính hơn dành cho nhóm người nghèo, những người phải chịu tác động nặng nề nhất từ khủng hoảng khí hậu. COP24 vẫn có thể có được kết quả khả quan nếu đạt được tất cả các mục tiêu này".

Nguồn: Minh Nguyệt (TTXVN)
Fanpage
Liên kết website