235.000 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững

Đề án thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng giai đoạn 2016 – 2020 (Đề án thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 500 nghìn ha rừng trên cả nước được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có khoảng 235 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.

Cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) đạt được đồng thời cả ba mục tiêu: kinh tế - xã hội - môi trường. Trong đó, mục tiêu kinh tế là đem lại thu nhập cao hơn cho chủ rừng, tạo lợi thế cạnh tranh cho các công ty chế biến xuất nhập khẩu đồng thời nâng cao vị thế ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế quốc dân. Về mặt xã hội là nâng cao nhận thức, năng lực thực hiện về thiết lập, quản lý và bảo vệ rừng bền vững, đồng thời tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và sự liên kết chuỗi, liên kết vùng tốt hơn. Về mặt môi trường, cấp chứng chỉ rừng giúp cho chủ rừng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm với môi trường nói chung, quan tâm nhiều hơn đến sự bảo tồn và đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước và môi trường sinh cảnh,...

Quản lý rừng bền vững là 1 trong 5 hoạt động REDD+ ("REDD+" là sáng kiến nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển để giảm phát thải khí nhà kính thông qua 5 nhóm hoạt động) đang được triển khai trên thế giới và tại Việt Nam. Để đạt được điều này, việc thực hiện và Cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững có ý nghĩa quan trọng. Hỗ trợ các chủ rừng trong thực hiện và được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là một trong những hoạt động trọng tâm của dự án Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 2” (FCPF-2) trong năm 2018.

Trong năm 2018, với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính, dự án FCPF - 2 đã triển khai 4 lớp tập huấn cho các chủ rừng nhằm nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện quản lý rừng bền vững để cấp chứng chỉ rừng FSC.

Trong đó, Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh - Thanh Hóa đã dự thảo các báo cáo đánh giá tác động xã hội, môi trường, đánh giá rừng có giá trị bảo tồn cao, điều tra rừng và dự thảo phương án quản lý rừng bền vững.

Đối với Công ty Lâm nghiệp Hương Sơn – Hà Tĩnh, dự án đã tập huấn nâng cao năng lực và hỗ trợ kiểm tra kết quả khắc phục lỗi sau đánh giá năm 2017, đồng thời khuyến cáo những việc làm cần bổ sung trong công tác quản lý rừng theo kế hoạch năm cũng như công tác khắc phục lỗi và những giải pháp ngăn ngừa trong tương lai.

Tại Liên hiệp Hợp tác xã Tây Kim, dự án đã hỗ trợ các hoạt động tập huấn kỹ thuật, quản lý nhóm để nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện, giúp họ có những kiến thức về công tác quản lý nhóm, quản lý rừng và sẵn sàng cho đánh giá chính cấp chứng chỉ rừng FSC trong năm 2018. Đây là mô hình đầu tiên cấp chứng chỉ rừng FSC theo quy mô nhóm hộ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, nên các nhóm hộ vẫn còn những khó khăn nhất định: trình độ nhận thức hạn chế; kinh tế hộ khó khăn; diện tích rừng của mỗi hộ nhỏ lẻ, manh mún; xa khu vực chế biến,.. Nhận định được những khó khăn trên, dự án đã có những hỗ trợ trọng tâm cho quá trình thành lập nhóm để cấp chứng chỉ rừng FSC như: tham quan học tập kinh nghiệm; tập huấn nâng cao nhận thức; kêu gọi khách hàng chế biến gỗ trong khu vực để liên kết lâu dài,... Đến thời điểm này, Liên hiệp Hợp tác xã Tây Kim đã hoàn thành hồ sơ quản lý nhóm, hồ sơ quản lý rừng và sẵn sàng đón đoàn đánh giá của Tổ chức Quản lý rừng bền vững Quốc tế (GFA) để được đánh giá và cấp chứng chỉ FSC.

Riêng trong tháng 12/ 2018, tại Thanh Hóa và Hà Tĩnh, dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 2” (FCPF-2) tổ chức Đánh giá sơ bộ chứng chỉ rừng tại Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh - Thanh Hóa với tổng diện tích 10.292 ha; giá duy trì chứng chỉ rừng tại Công ty lâm nghiệp Hương Sơn - Hà Tĩnh với tổng diện tích 19.708 ha rừng tự nhiên và đánh giá chính cấp chứng chỉ rừng tại Liên hiệp Hợp tác xã Tây Kim - Hương Sơn - Hà Tĩnh với tổng diện tích 454 ha/ 238 hộ thành viên.

Dưới đây là những hình ảnh về các hoạt động của Dự án "Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện thực hiện REDD+ giai đoạn 2" năm 2018:

Tập huấn điều tra và đánh giá tác động môi trường và xã hội cho BQL Rừng phòng hộ Lang Chánh - huyện Lang Chánh - tỉnh Thanh Hóa

Cán bộ Ban QLRPH Lang Chánh phỏng vấn người dân sống gần rừng về tác động môi trường khi thực hiện Đề án

Cán bộ Ban QLRPH Lang Chánh khảo sát trữ lượng rừng trồng Keo

Làm cọc mốc và lấy tọa độ GPS để xác định vị trí ô tiêu chuẩn điều tra trữ lượng rừng tự nhiên

Chuyên gia FSC cùng cán bộ Ban xác định các khu vực rừng có giá trị bảo tồn cao trên bản đồ tại trụ sở Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh trước khi đi khảo sát hiện trường.

Cán bộ dự án cùng các cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh cùng với cộng đồng dân tộc Thái lập kế hoạch sử dụng lâm sản ngoài gỗ cho thời gian tiếp theo.

Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Fanpage
Liên kết website